VIÊM PHỔI VŨ HÁN – Cái nhìn toàn cảnh

Trước các diễn biến phức tạp và nhanh chóng của bệnh Viêm phổi Vũ Hán, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã quyết định họp khẩn vào ngày 22/01 tại Geneva nhằm xác định xem có nên tuyên bố ổ dịch này là “trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” hay không – thuật ngữ được WHO sử dụng đối với dịch bệnh nghiêm trọng.

VIÊM PHỔI VŨ HÁN – TOÀN CẢNH

Theo thông tin được cập nhật đến ngày 21/01, Viêm phổi Vũ Hán đã tiếp tục gây ra những diễn biến phức tạp và nguy hiểm khi số người nhiễm bệnh gia tăng nhanh chóng tại 4 quốc gia
– Trung Quốc: 217 trường hợp nhiễm bệnh, riêng tại Vũ Hán có 198 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 4 người thiệt mạng, 9 người trong tình trạng nguy kịch, 35 người đang được điều trị tích cực, 126 người trong tình trạng ổn định và 25 người đã được xuất viện.
– Hàn Quốc: 20/1 xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona.
– Nhật Bản: xác nhận một bệnh nhân nam, 30 tuổi tại quận Kanagawa dương tính với virus corona. Trước khi phát bệnh, người đàn ông này đã tới tới thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và tiếp xúc với một người bị viêm phổi.
– Thái Lan: Ngày 12/1, phát hiện trường hợp đầu tiên mắc viêm phổi do coronavirus. Sau đó 5 ngày, 17/1, tiếp tục công bố trường hợp thứ 2 nhiễm virus corona.
Trong khi đó, các nhà khoa học tại Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC – Đại học Hoàng gia London đã cảnh báo số ca mắc virus ở Vũ Hán có khả năng lên tới 1.700, cao hơn rất nhiều so với con số chính thức.

Xem thêm: Xử lý lâm sàng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nghi ngờ do nhiễm chủng Virus Corona 2019-nCoV mới của WHO.

VIÊM PHỔI VŨ HÁN VÀ VIRUS CORONA

Viêm phổi Vũ Hán được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 31/12/2019 do một loại virus Corona bí ẩn nCoV gây ra. Theo công bố của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Vũ Hán, trường hợp đầu tiên được phát hiện là tiểu thương buôn bán ở một chợ hải sản, thịt động vật như ếch, rắn, nhím, thịt gia cầm, chim và thỏ. Biểu hiện của bệnh giống với các triệu chứng cảm cúm thông thường. Với những trường hợp nặng, có tình trạng viêm phổi, chụp Xquang phổi xuất hiện tổn thương viêm dạng vi rút lan tỏa hai lá phổi.
Cùng với nhận định của bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận phụ trách các dịch bệnh mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận: Chủng virus Corona bí ẩn gây ra bệnh viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán đã lây nhiễm từ người sang người. Nguy cơ còn trở nên khủng khiếp hơn nữa, khi đợt bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc xảy ra vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, với ước tính hơn 3 tỷ chuyến đi sẽ được thực hiện
Corona có nghĩa là “Crown – Vương miện” trong tiếng Latin với ý nghĩa là vòng hoa, vòng hoa tang, nhưng cũng là vầng hào quang tỏa ra từ ánh mặt trời hay các ngôi sao tỏa sáng dựa trên cách sắp xếp của gai trên bề mặt virus. Corona thuộc loại virus cao cấp nhất, nguy hiểm nhất, nó giống như vòng hoa tang; sẽ là thảm họa nếu ai đó không may mắc phải.

Virus Corona được phát hiện đầu tiên vào năm 1960, có tất cả 7 loại gây bệnh cho người. Bao gồm
4 loại virus Corona gây bệnh cảm cúm thường gặp:
– 229E (alpha coronavirus)
– NL63 (alpha coronavirus)
– OC43 (beta coronavirus)
– HKU1 (beta coronavirus)
2 loại virus Corona đã gây ra nỗi sợ hãi:
– MERS-CoV (beta coronavirus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông, hay MERS)
– SARS-CoV (beta coronavirus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hay SARS)
Loại thứ 7 chính là virus corona bí ẩn gây viêm phổi ở Vũ Hán, đang được cộng đồng quốc tế cực kì quan ngại, WHO quan sát chặt chẽ và tạm gọi tên là: “Virus Corona 2019 mới – Novel Coronavirus 2019 – 2019 nCoV”.

PHẢN ỨNG CỦA VIỆT NAM

Tại Việt Nam, 2 du khách Trung Quốc bị sốt khi nhập cảnh Đà Nẵng đã được xác nhận không có virus. Sau nhiều ngày theo dõi cách ly, hai người xuất viện và về nước. Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn phòng chống viêm phổi Vũ Hán và tăng cường biện pháp kiểm tra, ngăn chặn tại các cửa khẩu như sân bay.

Hiện chưa phát hiện ca viêm phổi Vũ Hán nào tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, không để bệnh viêm phổi nguy hiểm từ Trung Quốc xâm nhập. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành kế hoạch ứng phó dịch bệnh, tăng cường kiểm tra giám sát phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu ngành y tế đảm bảo đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương.
Bộ Y tế ngày 17/1 công bố Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus nCoV. Các sân bay cũng tăng cường giám sát thân nhiệt khách nhập cảnh, đặc biệt từ Trung Quốc. Bộ cũng đưa ra 5 khuyến cáo phòng bệnh như hạn chế tiếp xúc với người bệnh hô hấp, rửa tay sạch, súc họng, đeo khẩu trang đúng cách, nếu tiếp xúc với người về từ vùng có bệnh trong 14 ngày bị sốt thì phải đến bệnh viện khám ngay…

CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG NGỪA

Hai mùa Đông và Xuân là mùa dịch. Người dân biết và thực hiện một số biện pháp rất đơn giản để tránh bị lây nhiễm.
1. Tránh tiếp xúc gần: Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh. Bản thân người bệnh cũng giữ khoảng cách với người khác để tránh lây cho họ. Khi mắc bệnh, hãy ở nhà thay vì đi làm hay đi học, đó là cách tốt để giảm lây truyền.
2. Che mũi và miệng: Đeo khẩu trang khi cần thiết, đặc biệt khi phải tiếp xúc với người bệnh hoặc chính người bệnh thực hiện đeo khẩu trang. Ho và hắt hơi sử dụng khăn giấy dùng 1 lần rồi rửa tay, hoặc ít nhất là dùng mặt trong khủy tay áo che mũi và miệng.
3. Rửa tay thường xuyên: Hãy thực hiện rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi ho và hắt hơi, rửa tay trước khi ăn. Sử dụng chất sát trùng tay là rất tốt để ngăn ngừa.
4. Tránh chạm tay vào mắt mũi miệng: Virus thường ở dịch tiết của mắt, mũi, miệng; nếu sờ tay vào sẽ dễ truyền bệnh cho người khác, ví dụ mở nắm đấm cửa.
5. Thực hành thói quen sống lành mạnh: Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc trường học, lớp học đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Ngủ đủ, tăng cường vận động thể chất, thể dục thể thao, kiểm soát căng thẳng, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước, bổ sung đủ vitamin.
6. Tiêm vắc xin phòng virus cúm theo mùa là biện pháp rất hiệu quả.

Nguồn: Dược sĩ Lê Hải Linh